Trang

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Thị trường vàng Việt Nam: Những bất cập và yêu cầu cải cách ( Sưu tầm )

TS. Phạm Huy Hùng
Chủ tịch HĐQT VietinBank
1.Thị trường vàng (TTV) thế giới thời gian qua và xu hướng phát triển
1.1. TTV thế giới thời gian qua
Cùng với sự phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hóa, các hình thái tiền tệ khác nhau đã ra đời và không ngừng phát triển nhằm đáp ứng, mở đường cho sự phát triển của các nền kinh tế, thúc đẩy khu vực hoá, toàn cầu hoá. Các công cụ đầu tư cũng gia tăng mạnh, với sự bùng phát của thị trường tài chính, thị trường hàng hoá cả về qui mô và tốc độ luân chuyển.
Tuy nhiên, bất ổn và rủi ro cũng có xu hướng gia tăng. Một mặt, tiền dấu hiệu (giấy bạc ngân hàng, tiền đúc lẻ, tiền điện tử…) thiếu cơ sở ổn định vững chắc và thực tế luôn chịu các áp lực giảm giá (do thâm hụt ngân sách của các Chính phủ và các vấn đề chính trị, xã hội, tiêu cực,…). Tốc độ lưu chuyển tiền tệ ngoài ngân hàng nhanh, cộng với sự tinh vi, phức tạp của các sản phẩm đầu tư đi kèm với các rủi ro tiềm ẩn, khó lường. Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998 và gần đây hơn là khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 là các minh chứng cụ thể. Trong bối cảnh như vậy, vai trò của vàng với tư cách của một công cụ tiền tệ, một công cụ đầu tư đã phát triển mạnh mẽ.
Trước hết: phải kể đến việc cất trữ, bảo toàn giá trị tài sản trước các rủi ro tiền tệ của các chế độ tiền danh nghĩa.
Trước các áp lực mất giá của tiền ngân hàng, đặc biệt là sự mất giá của USD trong thời qua và sự leo thang của lạm phát hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007, Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước đã điều chỉnh dự trữ ngoại hối quốc gia, chuyển qua mua ròng vàng sau 2 thập kỷ đóng vai trò nguồn cung ổn định cho thị trường. Năm 2009, NHTW Trung Quốc mua vào 450 tấn vàng, Ấn Độ mua 200 tấn, Nga mua 71 tấn,… Hiện nay, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về dự trữ vàng thế giới với 8.133 tấn chiếm 78,9% dự trữ ngoại hối quốc gia, tiếp đó là Đức (3.412 tấn, 71,5%), Ý (2.702,6 tấn, 66,5%), Pháp (2.987 tấn, 72%)(i)...
Động thái cất trữ vàng của khu vực tư nhân cũng tăng mạnh, đặc biệt là từ những năm đầu thế kỷ 21. Ngoài áp lực mất giá của các đồng nội tệ, sự bùng phát cất trữ vàng khu vực tư nhân còn gắn liền với việc nới lỏng quyền sở hữu vàng cá nhân của một số quốc gia, trong đó phải kể đến Trung quốc, Ấn độ.
Thứ hai: Vàng và các sản phẩm đầu tư vàng trở thành các công cụ đầu tư hấp dẫn trong nền kinh tế
Xu hướng tăng giá vàng: Thống kê giá vàng của USA Gold, giá vàng trên thế giới đã đảo ngược trạng thái từ năm 2001, liên tục tăng và tăng mạnh kể từ cuối năm 2005. Đáng chú ý là sự ổn định tương đối của giá vàng trong thập kỷ 90 không phản ánh thực chất cung - cầu TTV thế giới. Một trong những lý do cơ bản là do các NHTW và các công ty khai thác vàng kết hợp giữ giá vàng ở mức thấp. Bên cạnh đó, quyền sở hữu vàng cá nhân cũng được quản lý chặt chẽ. Diễn biến trên TTV thời gian gần đây phản ánh thực chất hơn tương quan cung cầu vàng. Ngoài nhu cầu vàng với mục tiêu cất trữ, đảm bảo giá trị tài sản, đặc biệt trong điều kiện rủi ro tiềm ẩn, thì nhu cầu vàng cho mục đích sản xuất, tiêu dùng cũng tăng nhanh. Theo thống kê của Hiệp hội vàng thế giới (WGC), 9 tháng đầu năm 2010, tổng lượng vàng trang sức toàn cầu lên tới 1.468 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2009. Nhu cầu vàng trang sức đã tăng nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế Châu Á và tâm lý chuộng sử dụng vàng trang sức của khu vực này, đặc biệt là Trung quốc, Ấn độ. Bên cạnh đó nhu cầu vàng phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh cùng với sự bùng nổ của các ngành công nghiệp ứng dụng, sự phát triển của ngành nha khoa. Cũng theo WGC, trong 9 tháng đầu năm 2010, nhu cầu vàng phục vụ sản xuất tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào tổng cầu vàng, còn có nhu cầu đầu cơ vàng, gắn liền với xu thế tăng giá vàng. Hệ quả là, tổng cầu vàng có xu hướng tăng mạnh, vượt so với tổng cung vàng khoảng 3% năm 2010, kéo dài chuỗi tăng giá vàng trong vòng 10 năm liên tiếp.

Mức độ sinh lợi từ đầu tư vàng tương đối cao so với các sản phẩm đầu tư khác, trong khi mức độ rủi ro thị truờng tương đối thấp
Giá vàng liên tục tăng và mức tăng lên tới 29% trong năm 2010, đưa vàng trở thành một kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn nhiều so với các kênh đầu tư khác, khi chỉ số hàng hóa S&P Goldman Sachs tăng 20%, chỉ số S&P 500 tăng 13%, chỉ số MSCI của Thị trường chứng khoán thế giới (không tính thị trường Mỹ) tăng 6% (tính theo USD) và chỉ số tổng hợp trái phiếu chính phủ Mỹ Barclays tăng 5,9%(iii).
Báo cáo của WGC cũng cho thấy, bên cạnh khả năng sinh lời cao, đầu tư vàng còn hấp dẫn bởi mức độ biến động của giá vàng ở mức tương đối thấp, 16,1% trong suốt cả năm 2010, mức biến động thấp nhất trong số các hàng hoá thuộc phạm vi giám sát của WGC, thấp hơn đáng kể so với mức biến động giá của các loại hàng hóa thuộc S&P Goldman Sachs Commodity Index là 21% (tính theo giá giao dịch hàng ngày).
TTV thế giới phát triển mạnh mẽ
Thập kỷ qua, TTV thế giới đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Ngoài đầu tư vàng thỏi, vàng đúc (vàng vật chất), các hình thái đầu tư vàng hiện đại đã phát triển mạnh, cho phép các tô chức, cá nhân tiếp cận, tham gia vào TTV dễ dàng hơn. Các hình thức đầu tư đáng quan tâm là các quỹ kinh doanh vàng (ETFs), đầu tư qua tài khoản, sản phẩm phái sinh vàng, cổ phiếu của các công ty khai thác vàng…, trong đó các sản phẩm ETPs được giao dịch như các cổ phiếu trên các Sở giao dịch chứng khoán, còn các sản phẩm phái sinh vàng được giao dịch trên các Sở giao dịch hàng hoá hoặc Sở giao dịch sản phẩm phái sinh. Theo báo cáo của WGC, đầu tư thuần vào các sản phẩm kinh doanh vàng gold backed ETFs năm 2009 lên tới 617 tấn, năm 2010 là 361 tấn, đưa tổng lượng vàng nắm giữ dưới hình thức kinh doanh này vào 31/12/2010 tới 2.167,4 tấn.
1.2. Xu hướng TTV thế giới
Mặc dù thế giới đã trải qua đáy của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 và các dự báo gần đây về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có nhiều tín hiệu khả quan hơn, song vẫn còn nhiều nhân tố cho thấy TTV tiếp tục sôi động trong thời gian tới, ứng với các dự báo tăng giá vàng do áp lực giảm giá USD, mối quan ngại về sự ổn định của các quốc gia khu vực đồng Euro, áp lực lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi và việc nới lỏng quản lý trên các TTV...
• Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy, trong khi có những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế, thì thất nghiệp của quốc gia đầu tầu này vẫn rất căng thẳng, ở mức 9% vào tháng 1/2011. Các tín hiệu phát đi từ cuộc họp ngày 25-26/1/2011 của FED cho thấy, lãi suất nhiều khả năng tiếp tục được duy trì ở mức thấp đến hết năm 2011 nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, gây áp lực giảm giá đối với USD, làm tăng giá vàng khi tính theo USD.
• Lạm phát bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới - hệ quả của các chính sách nới lỏng tiền tệ đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007. CPI tháng 1/2011 tại Anh tăng gấp đôi so với mức mục tiêu của Chính phủ, tại Châu Âu cũng lên tới 2,4%, trong khi mục tiêu của ECB đặt ra chỉ dưới 2%. Tình hình tại Châu Á(iv) còn xấu hơn nhiều, cụ thể: CPI tháng 1/2011 của Trung Quốc đã tăng tới 4,9% (so với mục tiêu năm 2011 là 4%), trong đó giá lương thực tăng 10,3%, ngũ cốc tăng 15,1%, trứng 20,2%, trái cây tăng 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái; Indonesia tăng 7,02%; Ấn Độ là 8,23%, trong đó giá thực phẩm tăng 15,56%, giá xăng dầu tăng 11,41%; và Hàn Quốc tăng 4,1%, cao hơn nhiều mục tiêu 3% trong năm 2011...
• Xu hướng tiếp tục tăng dự trữ vàng của NHTW do sự mất giá của đồng USD gắn với các chương trình nới lỏng tiền tệ của FED, bất ổn kinh tế của khu vực đồng Euro.
• Bất ổn chính trị ở Trung đông ngày càng lan rộng
• Ngoài ra, sự tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi, thu nhập của người dân tăng lên, do nhu cầu sử dụng vàng trang sức ở một số quốc gia rất lớn (Trung quốc, Ấn độ) sẽ tiếp tục đẩy nhu cầu vàng tăng lên.
Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu vàng cho các mục đích dự trữ, dự phòng, đầu tư hưởng chênh lệch giá sẽ tiếp tục tăng. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định giá vàng còn tăng mạnh trong năm 2011: Goldman Sachs nhận định, giá vàng sẽ đạt tới 1.690 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới, do Mỹ duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục. Đến năm 2012, vàng sẽ tăng lên đỉnh 1.750 USD, giá trung bình cả năm là 1.700 USD/ounce. Ngân hàng BNP Paribas(v) cũng đã nâng dự báo giá vàng năm 2011 và 2012 lên các mức lần lượt là 1.500 USD/ounce và 1,600 USD/ounce…
Tuy nhiên, cùng với các nỗ lực tái cơ cấu tài chính, kinh tế sau khủng hoảng, sự phục hồi của các nền kinh tế và các kênh đầu tư khác, thì xu hướng tăng giá vàng sẽ yếu dần, không ngoại trừ trường hợp giá vàng quay đầu giảm mạnh khi nhu cầu dự trữ, dự phòng và đầu cơ tăng giá tụt dốc nhiều hơn so với mức tăng nhu cầu vàng cho sản xuất, tiêu dùng. Goldman Sachs cho rằng, việc các gói nới lỏng tiền tệ sẽ kết thúc vào tháng 6, triển vọng kinh tế lạc quan của Mỹ sẽ khiến giá vàng dừng tăng trong năm 2012. Một số còn cho rằng tình trạng đảo điên giá vàng có thể tái diễn khi nền kinh tế phục hồi, đi vào chu kỳ phát triển mới, giá vàng quay đầu giảm mạnh.
2. TTV Việt Nam: những bất cập và yêu cầu cải cách
Cùng trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chịu tác động chi phối của sự leo thang giá vàng thế giới, TTV trong nước cũng lập nhiều kỷ lục mới, giá vàng liên tục tăng, mức giá cao nhất (vàng SJC) vào sáng ngày 9/11/2010 là 38,2 triệu đồng/lượng, tăng 44% so với giá vàng SJC đóng cửa ngày 31/12/2009. Nếu tính vào thời điểm 31/12/2010, thì giá vàng SJC đã tăng 35%.
Giao dịch trên TTV trong nước hiện nay là mua – bán kinh doanh vàng vật chất và huy động dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá, cho vay vàng chế tác, kinh doanh trang sức. Các giao dịch diễn ra đơn lẻ, không có sàn giao dịch tập trung. Trước đó, kinh doanh vàng qua tài khoản cũng diễn ra rất sôi động với mức ký quĩ thấp (7%) trên các sàn giao dịch đơn lẻ trong nước, do một số ngân hàng, công ty/tổ chức kinh doanh vàng thành lập, quản lý; một số NHTM cũng được kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
So sánh TTV trong nước và TTV thế giới đặt ra một số vấn đề sau:
Thứ nhất, mức tăng giá vàng trong nước lớn hơn đáng kể so với mức tăng giá vàng trên thế giới. Giá vàng đỉnh điểm trong nước tăng 44% so với giá vàng đóng cửa năm 2009. Con số đó của giá vàng London PM Fix là 29%. Nếu cộng cả 9% mất giá của VND so với USD trong cùng kỳ, thì mức độ tăng giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với thế giới.
Thứ hai, là một thị trường nhỏ, nhập khẩu vàng, tức là ở vị trí chấp nhận giá (thay vì làm giá), nhưng thời điểm giá vàng lập kỷ lục ở Việt Nam đã diễn ra sớm hơn thời điểm giá vàng lập kỷ lục trên thị trường thế giới tới gần 1 tháng (giá vàng thế giới lập kỷ lục vào ngày 7/12/2010).
Thứ ba, xu hướng tăng giá vàng trong nước mạnh mẽ hơn nhiều so với xu hướng tăng giá vàng thế giới nói chung và các nước hấp thụ vàng lớn trên thế giới nói riêng. Theo WGC, mức độ giao động giá vàng thế giới năm 2010 là 16,1%, của Trung quốc là 15,8% và Ấn độ là 16,8%. Tính toán mức độ giao động của giá vàng trong nước năm 2010 (vi) cho thấy, mức độ giao động giá vàng trong nứơc là 11,8%, thấp hơn nhiều so với các mức giao động trên. Điều này cho thấy sự ổn định hơn của xu hướng đi lên đối với giá vàng trong nước.

Thứ tư, sự phát triển của TTV trong nước đôi khi trái chiều với sự phát triển của TTV thế giới. Trong khi TTV thế giới đang phát triển nhanh chóng, với các hình thái đầu tư hiện đại, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng, với chi phí thấp hơn nhiều so với đầu tư, kinh doanh vàng vật chất, thì TTV Việt Nam lại giới hạn ở các giao dịch vàng vật chất và một số hình thái huy động, cho vay nhất định.
Những khác biệt này, ở những góc độ nhất định, đã có tác động không nhỏ tới vấn đề quản lý tiền tệ, ổn định vĩ mô và huy động nội lực phát triển kinh tế -xã hội, đó là:
• Trước hết, trong bối cảnh giá trị đồng nội tệ thấp, áp lực mất giá lớn, thì sự gia tăng mạnh giá vàng, với xu hướng chắc chắn sẽ làm tăng các động lực sử dụng vàng với tính chất là một công cụ tiền tệ, cho tất cả các mục đích cất trữ, dự phòng, định giá và thanh toán, đặc biệt là trong điều kiện Việt Nam, với các qui định vàng khá thông thoáng (Trung Quốc mới nơi lỏng quyền sở hữu vàng cá nhân cách đây 3 năm), gây khó khăn cho việc quản lý tiền tệ của các cơ quan chức năng. Việc tăng mạnh gía vàng và sử dụng vàng cho các mục đích tiền tệ sẽ đội giá của các mặt hàng được mua – bán, thanh toán bằng vàng, gây sức ép không nhỏ tới lạm phát trong nền kinh tế. Một khi thiếu cơ chế quản lý vàng với tính chất là một công cụ tiền tệ trong trường hợp này sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đặc biệt với xu hướng giá vàng đang và sẽ còn diễn biến phức tạp.
• Định hướng TTV vào các giao dịch vàng vật chất đơn lẻ sẽ có tác động tiêu cực nhất định tới sự phát triển của TTV trong nước, tới việc khơi thông nguồn lực này cho phát triển kinh tế xã hội.
• Quản lý TTV trong nước thoát ly với TTV thế giới còn chứa đựng các động cơ, những hành vi không đúng đắn (mua bán, xuất nhập lậu, đầu cơ). Duy trì chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cũng sẽ tạo ra các nhóm lợi ích cục bộ, gây méo mó tới các quyết định cơ chế, chính sách có liên quan.
3.Một số kiến nghị
Trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn tiềm ẩn các biến động lên xuống khó lường, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải cải tổ việc quản lý vàng và phát triển TTV. Theo đó, vàng với hàm lượng vàng cao nên được quản lý với tích chất của một công cụ tiền tệ. Nhà nước cần phải nắm quyền và có các công cụ hữu hiệu để điều chỉnh cung - cầu vàng, chủ động quản lý có hiệu quả, hiệu lực tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Bên cạnh việc quản lý vàng với tính chất của một công cụ tiền tệ, cần có lộ trình cụ thể cho việc phát triển TTV theo thông lệ quốc tế, đa dạng hoá các kênh đầu tư, liên thông thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể:
Thứ nhất, vấn đề lưu thông vàng miếng
Do tính chất tiền tệ của vàng vật chất với hàm lượng cao ở nước ta còn khá mạnh, đặc biệt trong điều kiện tiền đồng chưa ổn định, song cũng không thể để tình trạng lưu thông vàng miếng có hàm lượng cao thay thế tiền đồng trong thanh toán. Nhà nước (đại diện là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cần phải quản lý giao dịch này, từng bước hạn chế nó khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép. Chỉ trên cơ sở quản lý vàng với tính chất là công cụ tiền tệ, NHNN mới có thể quản lý được tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, quản lý được giá cả, góp phần ổn định vĩ mô nền kinh tế. Quản lý nhà nước về vàng với tính chất là công cụ tiền tệ cần xác định cụ thể tiêu chuẩn vàng với tính chất tiền tệ, điều kiện lưu thông vàng tiền tệ và quản lý quan hệ cung - cầu vàng tiền tệ trong nền kinh tế (gắn với sự phát triển lành mạnh của TTV và vấn đề liên thông TTV trong nước và quốc tế).
Thứ hai, đảm bảo sự phát triển lành mạnh TTV trong nền kinh tế
Là một loại hàng hoá và là một công cụ tiền tệ trong nền kinh tế, nên việc tồn tại TTV là vấn đề khách quan. Đây cũng là thực tế trên thế giới. Không chỉ tồn tại, các TTV trên thế giới đã có những bước phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Đối với nước ta, hoạt động mua – bán vàng còn là tập quán, có tính lịch sử, văn hoá lâu đời. Vấn đề là làm thế nào để phát triển lành mạnh TTV, đảm bảo sự thông suốt trong phạm vi nền kinh tế và liên thông với thị trường quốc tế, hạn chế các tác động tiêu cực và tăng cường đóng góp của TTV vào sự phát triển của đất nước. Kinh nghiệm cho thấy, để một thị trường phát triển lành mạnh không có nghĩa để thị trường phát triển tự do, nhưng cũng không thể chỉ bằng các giải pháp hành chính, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Những biến động mạnh của giá vàng và sự đi trước của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới vừa qua một phần là hệ quả của việc bỏ ngỏ thị trường (không có công cụ pháp lý điều tiết) và việc áp dụng một vài giải pháp điều hành mang tính chất hành chính. Do vậy, nhanh chóng hòan thiện khuôn khổ pháp lý cho TTV, điều tiết các chủ thể bằng các công cụ và hàng rào kỹ thuật trên thị trường. Liên quan tới các công cụ, các loại hình hoạt động trên thị trường, cần có lộ trình phát triển từng bước, phù hợp với điều kiện và trình độ quản lý cụ thể của đất nước. Khung pháp lý nên định hướng nguyên tắc thị trường có quản lý của Nhà nước vì các biện pháp hành chính chỉ có tác động tức thì, nhưng tiềm ẩn các hành vi lách luật, hoạt động ‘chui”, trong khi chi phí theo dõi, giám sát là rất lớn. Và để quản lý được cung - cầu trên TTV, thì khung pháp lý phải đảm bảo rằng NHNN thực hiện được vai trò quản lý cuối cùng trên TTV, tức là phải thực hiện quản lý tập trung các đầu mối hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, NHNN cần có các công cụ đủ quyền lực để có thể can thịêp khi có các biến động quá mức trên thị trường.
Thứ ba, liên thông TTV trong nước và thế giới trên cơ sở nới lỏng có kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) vàng.
XNK vàng nên được quản lý theo nguyên tắc thị trường, thay vì quota như hiện nay. Việc áp dụng quota luôn tiềm ẩn các hoạt động XNK vàng lậu, không thể kiểm soát được và thất thoát nguồn thu cho Nhà nước. Do không kiểm sóat được lượng vàng XNK nên sẽ không có thông tin chính xác về cung - cầu vàng trong nền kinh tế. Xoá bỏ cơ chế quota XNK vàng, thì chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế (sau khi đã cộng các chi phí nhập khẩu) cũng sẽ bị loại bỏ.
Liên quan tới thuế XNK vàng cũng không nhất thiết phải áp thuế nhập khẩu với mục đích hạn chế nhập vàng, giảm áp lực lên cầu ngoại tệ, vì khả năng tái tạo ngoại tệ của vàng rất cao. Thực tế, quí I/2009, Việt Nam đã có xuất siêu nhờ xuất siêu vàng. Thuế xuất khẩu vàng cũng nên được cân nhắc ở mức phù hợp, khuyến khích việc khơi thông đầu ra, qua đó phát triển công nghịêp khai thác vàng và công nghiệp chế tác vàng trong nước, tạo công ăn việc làm cho xã hội./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo đầu tư vàng, WGC, tháng 1/2011 (Gold investment digest, world gold council, Jan. 2011)
2. Kim loại quí và căn cứ phân tích kỹ thuật (Gold Forecaster - Precious Metals and the Validity of Technical Analysis - Part 1, Feb 2011)
3. Trang USAgold, http://www.usagold.com/gold-price.html
4. Giá vàng SJC, tại Hà nội, SSGP online
5. Báo điện tử một số nước: thông tin về lạm phát, tăng giá

i Nguồn: http://www.kitco.com/ind/AuthenticMoney/feb112011.html).
ii Nguồn: http://www.usagold.com/gold-price.html
iii Báo cáo của WGC.
iv Nguồn: Trang báo điện tử của một số quốc gia, tháng 2/2011.
v Ngân hàng BNP Paribas nhận định ngày 30/11/2010.
vi Nguồn: Sài gòn giải phóng online: giá bán vàng SJC tại Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét